Nhà lát đá cả phòng bếp, phòng tắm nên những ngày qua "nước chảy trên tường xuống như dội", trong ngôi nhà 3 tầng của chị Đỗ Thị Hoa, 35 tuổi, Xuân Trường, Nam Định.
Trời nồm ẩm là hiện tượng thời tiết xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc vào đầu xuân. Độ ẩm không khí cao, mưa phùn, sương mù khiến những ngôi nhà, đặc biệt nhà lát gạch đá hoa "đổ mồ hôi", chỗ nào cũng có hơi nước bám vào, thậm chí nước đọng trên trần nhà còn rớt xuống tí tách.
Hai tuần nay con trai 4 tuổi và 7 tuổi của chị Hoa được nghỉ học lại đúng thời điểm trời nồm lên đỉnh nên càng khổ hơn. Hai quý tử nghịch chạy khắp xóm và thường rình lúc mẹ mải làm việc là đầu trần chạy ra sân nghịch mưa.
"Nhà thì ướt, hai anh em lại đùa nhau lăn lê bò toài khắp. Trưa nay chúng thay nhau trượt patin, một thằng ngồi, một thằng kéo, ướt hết cả quần áo", chị kể. Bình thường mỗi bé ngày hai bộ đồ, nhưng mấy ngày qua phải thay bốn bộ.
Sàn trơn trượt, hai con của chị Hoa rủ nhau "chơi patin" khắp nhà. Ảnh: Mai Nhị. |
Là giáo viên nên chị Hoa cũng được nghỉ. Nhưng chăm hai con trong thời tiết này chị thấy mệt hơn cả những ngày đứng lớp. Cứ rảnh tay, chị lấy giẻ khô lau khắp nhà, nhưng lau xong được tầng một thì tầng 3 lại ướt rượt.
Tối 13/2, đang tựa lưng vào tường xem con học, anh Trần Văn Khánh, 41 tuổi thấy ngứa bắp tay, rồi hoảng hồn khi nhìn thấy bức tường có mấy ổ nấm mốc. "Tôi lạnh gáy một hồi", anh nói.
Hoá ra con trai anh và các bạn hàng xóm chơi đất nặn từ bột mì rồi bôi lên tường. Với độ ẩm không khí Hà Nội những ngày qua thường trên 90%, chỉ sau một hai ngày nấm mốc đã sinh sôi.
Ngay lập tức anh Khánh dọi đèn kiểm tra tường. Không chỉ đất nặn, còn rất nhiều vết bẩn từ đồ ăn, sữa lũ trẻ bôi ra tường hay vứt lẫn vào đống đồ chơi. Trong giỏ lego còn lẫn cả kẹo dẻo, bánh quy đã chảy nước.
Hai tuần qua con nghỉ học, căn chung cư của anh Khánh ở Hoài Đức, Hà Nội thành "nhà trông trẻ" của tầng. Thường xuyên có 3-5 trẻ hàng xóm sang chơi với con anh. Vừa ra Tết kẹo bánh lại nhiều, chúng ăn rả rích. "Trong đêm tôi phải lau lại khắp sàn và tường, dùng máy sấy tóc hong. Đồ chơi phải mang đi ngâm nước nóng, giặt lại toàn bộ", anh chia sẻ.
Lũ trẻ còn lôi hai bộ chăn ga sạch trong tủ ra căng lên làm "lâu đài bí ẩn", đem gối, gấu bông vào trong nằm chơi, hay trùm chăn lên đầu chơi múa lân khắp hành lang chung cư. "Chân chúng chạy nhảy khắp sàn nhớp nháp rồi giẫm lên chăn gối. Tôi buộc phải lột ra giặt sấy toàn bộ", anh nói.
Mệt vì phải dọn dẹp nhưng anh Khánh thấy may vì đã kịp xử lý đám nấm mốc. Kỳ nghỉ của các con còn dài, anh lưu ý các bậc phụ huynh nên vệ sinh đồ chơi và phòng của con thường xuyên. Ảnh: Khánh Trần. |
Một tối tuần trước, vợ chồng chị Bích Ngọc ở Mễ Trì Hạ, Hà Nội vừa thay bộ đồ mới cho con đi dịch thuật ngủ thì cô bé 2 tuổi kêu đồ ướt. Chị không tin vì đã chọn chế độ vắt kỹ và phơi 3 ngày mới thu vào. Nhưng xem kỹ, chị thấy các đường may bên trong vẫn còn ẩm ướt.
Nhìn ra dây phơi chị thêm nản. Quần áo chăng kín, dày đặc nhưng trời này càng phơi càng hôi. Lục cả tủ không thấy chiếc quần nào mỏng, chị buộc phải mặc cho con một chiếc quần bông dày đi ngủ. Từ sau bữa đó, chị Ngọc quyết định mang đồ ra tiệm giặt sấy, cứ 2 ngày một lần, mỗi lần khoảng 60 nghìn đồng. Chị ước tính, tháng này sẽ mất chừng nửa triệu đồng cho tiệm giặt.
Song đó chưa phải điều chị lo lắng nhất. Con gái được nghỉ nhà trẻ, vợ chồng chị phải thay nhau xin làm từ xa để trông con. "Giữ nó trên giường mãi thì không được, mà để chơi dưới sàn gạch thì cứ chốc chốc là ngã ngửa, đầu cốp xuống sàn", chị Bích Ngọc xót xa nói.
Cú ngã hôm qua khiến cô bé bị sưng một u như quả táo trước chán. Vợ chồng chị đành phải mua xốp về trải khắp nhà cho con chơi. "Dù đã đóng kín tất cả các cửa, tình trạng ẩm ướt vẫn kéo cả đến giường ngủ. Mỗi lần đi ngủ sờ vào chăn đệm là thấy ớn", chị nói. Vài hôm nay chị mất thêm chục phút trước giờ ngủ, dùng máy sấy tóc loại to xì cho chăn đệm ấm lên, khô ráo mới mới dám nằm vào.
Sàn nhà chị Ngọc sau khi lau xong vẫn ướt. Ảnh: Phan Dương. |
Anh Nguyễn Thìn, 33 tuổi, ở Nghệ An hôm 14/2 chia sẻ câu chuyện trời nồm lên một group trên Facebook. Không ngờ chỉ sau vài tiếng thu hút hơn 60 nghìn lượt thích, 4.000 lượt chia sẻ.
Anh Thìn cho biết, những ngày qua anh phải lau nhà 3 lần/ngày, nhưng "lau đằng trước ướt đằng sau, chùi bên trái lại lụt bên phải, nhớp nháp, hôi hám, bẩn thỉu. Quần áo phơi nhiều ngày chưa khô...". Con gái anh dễ ốm hơn vì thời tiết này.
Nhiều người đã chia sẻ cho anh Thìn những cách sống qua được trời nồm, như đóng kín cửa, bật điều hoà chế độ dry. Hoặc lau sàn bằng nước càng nóng càng tốt, rải giấy báo xuống sàn. "Rất nhiều người khuyên tôi nên mua máy hút ẩm. Sáng mai tôi sẽ đi mua một cái", anh chia sẻ.
Gia đình chị Thu Thuý, 33 tuổi, ở Lê Chân, Hải Phòng cho biết dùng máy hút ẩm khá hiệu quả. Nhà chị có hai bé đang nghỉ học, lại nuôi chó mèo nên thời tiết này sàn nhớp nháp, lông lá bám bết và nhà vì thế cũng hôi hơn.
Sợ các con nghỉ học thêm ốm vì kiểu trời ẩm ương này, tuần trước chồng chị Thuý đã đầu tư hai máy hút ẩm đặt ở phòng ngủ và tầng một. Ngoài giờ ngủ, máy bật hết công suất. "Cứ 5 tiếng tôi đổ nước một lần, mỗi lần tới 4 lít nước. Không hiểu ẩm đến mức nào mà lắm nước thế", chị cho biết.
Những nơi bật máy hút ẩm và đóng kín cửa thì khô ráo, hai con chị chơi thoải mái. Nhưng các khu hành lang và tầng khác thì vẫn ẩm ướt. Chị Thuý dự tính tháng này sẽ tốn điện vì ở mấy mẹ con ở nhà cả ngày, khi không bật máy hút ẩm thì bật điều hoà chế độ dry, còn máy giặt thì luôn để chế độ sấy...
Phan Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét